Các địa điểm Đảo Lý Sơn phải check in
Cập nhật: 08/12/2018 02:46 | Lượt xem: 2294
DANH LAM – THẮNG CẢNH ĐẢO LÝ SƠN KHÔNG THỂ BỎ QUA
NHÀ TRƯNG BÀY HẢI ĐỘI HOÀNG SA KIÊM BẮC HẢI
Đến với chuyến du lịch Đảo Lý Sơn du khách không thể bỏ qua một địa điểm văn hóa lịch sử vô cùng quan trọng và thiêng liêng của Tổ Quốc, đó là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đội Hoàng Sa hay Hải Đội Hoàng Sa là tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ 17 với mục đích ban đầu là hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản và thu nhặt các hàng hóa do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào các Đảo này.
Với khuôn viên có diện tích 400m2, ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bức tượng đài uy nghiêm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Cao 4,5m, nặng gần 40 tấn, tượng đài hướng mặt ra Biển Đông với dòng chữ về cộc mốc chủ quyền: “Vạn Lý Hoàng Sa”. Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ở phía sau với hơn 100 tư liệu, hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về cộc mốc chủ quyền như: ghe câu, dụng cụ nấu ăn của người lính Hoàng Sa, bản đồ về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cụm tượng đài cùng với nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khởi công xây dựng giữa tháng 9.2010. Nhà trưng bày gồm 3 phòng, ở hai bên đầu hồi được sử dụng làm kho bảo quản tài liệu, hiện vật, phòng lễ tân và tủ sách để phục vụ bạn đọc. Phòng giữa chính là không gian dành để trưng bày những hiện vật cũng như những sử liệu nói về hoạt động của đội Hoàng Sa. Phòng trưng bày được chia làm 3 phần: Lý Sơn – Tịnh Kỳ, quê hương của đội Hoàng Sa – Trường Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa – Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân Lý Sơn, Quảng Ngãi đối với những người lính Hoàng Sa – Trường Sa. Phát huy truyền thống của đội Hoàng Sa – Trường Sa, nhân dân ta tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Gian phòng chính dùng để trưng bày các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: chiếu cói, dây mây, nẹp tre, thẻ tre dùng để đồng đội bó xác những người lính đi Hoàng Sa gặp chuyện chẳng lành. Ấn tượng nhất là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt (ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) mà ngày xưa các chiến binh kiên trung đã từng vượt sóng. Trên tường và trong các tủ kính còn có sự hiện diện của các bản đồ thể hiện chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên.
CHÙA HANG
Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, Đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là Chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m. Chùa Hang đã được Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20 tháng 7 năm 1994.
Sân Chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây Bàng Biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang Chùa dài 24 m, trần Hang cao 3,2 m, diện tích 480 m².
Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự Chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ.
Các sự kiện lớn được tổ chức tại Chùa hàng năm là các ngày Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm phật, chiêm bái.
HANG CÂU
Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.
CỘT CỜ – ĐỈNH THỚI LỚI
Công trình Cột cờ Tổ quốc tại Huyện Đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4.5.2013, trên núi Thới Lới- ngọn núi cao nhất ở Đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá Quốc Kỳ.
THẠCH CỔNG TÒ VÒ – CỔNG MẶT TRỜI
Với địa chất, địa hình và cảnh quan nơi đây thì quả không ngoa khi nói Đảo Lý Sơn được coi chính là đảo Jeju của Việt Nam vì theo những nhà khoa học cho hay thì Đảo Lý Sơn được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm… Nằm cách đất liền khoảng 30 km. Hòn Đảo này không chỉ nổi tiếng với nghề trồng Tỏi mà còn thu hút nhiều du khách trẻ đến khám phá bởi nó ẩn chứa một vẻ đẹp xao xuyến lòng người mà khó có nơi nào có được.
Cổng Tò Vò nằm ở Đảo Lớn Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cổng Tò Vò là một “Vòm Cổng” bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục, và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Có niên đại khoảng 3.000-4.000 năm, cấu thành từ hoạt động phun trào núi lửa.
Theo các nhà địa chất, Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của Đảo Lý Sơn.
Từ Cổng Tò Vò nhìn về phía Nam là khu làng chài sung túc của các ngư dân trên Đảo. Trong khi đó ở phía Bắc lại là cảnh tượng hùng vĩ của núi Giếng Tiền, một ngọn núi lửa đã tắt. Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên khác là Cổng Thiên Đường, Cổng Mặt Trời. Đây là địa điểm chụp ảnh được ưa chuộng hàng đầu của giới trẻ khi đến với Đảo Lý Sơn.
CHÙA ĐỤC – QUAN ÂM ĐÀI
Ngôi Chùa tọa lạc giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên Đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.
Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh Chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân Đảo tránh được những cơn thiên tai.
Từ Chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển Đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.
ÂM LINH TỰ
Âm Linh Tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.
Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…
Âm Linh Tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm Linh Tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê Đảo yêu thương.
ĐẢO BÉ – AN BÌNH
Nằm cách Đảo Lớn (Lý Sơn) khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc, xã đảo An Bình (hay còn gọi là Đảo Bé) có diện tích 0,69km2 , dân số trên 400 người thuộc hơn 100 hộ dân sinh sống với nghề đánh bắt hải sản và trồng Hành, Tỏi, được đánh giá là một điểm du lịch lý tưởng, bởi nơi đây còn giữ được sự hoang sơ, tính nguyên gốc của các di sản địa chất, địa mạo, môi trường. Mà theo các nhà địa chất, Đảo Bé nguyên thủy có thể là một phần liền với Đảo Lớn, nhưng do một cơn địa chấn cực mạnh, một phần phía tây Đảo Lớn bị tách ra và hình thành nên Đảo Bé như bây giờ.
Đến với Đảo Bé, du khách sẽ tìm thấy một thế giới mới lạ lẫm, có thể tham quan đảo bằng xe điện, xe ôm hoặc thả bộ trên con đường bê tông sạch sẽ để vừa tham quan ngắm cảnh, vừa có thể tận hưởng được không khí của một vùng đất yên bình, thanh vắng với những cảnh vật nên thơ mà khó có nơi nào sánh được.
Ngoài ra trên Đảo Lý Sơn có thêm một số địa điểm khác không kém phần cuốn hút du khách từ mọi miền như: Đình Làng An Hải, Bãi Tây, Hòn Đụn, Hang Bãi Sau (Đảo Bé), Giếng Vua, Núi Giếng Tiền, Ngọn Hải Đăng, Hòn Mù Cu, Đá Hai, Bãi Bàng (Đảo Lớn),…
Hotline tư vấn: 0903.611.247 – 0989.364.519
Nếu bạn có nhu cầu đi Tour Lý Sơn - Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn Tour phù hợp nhất cho bạn!
CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG MẠI – DU LỊCH XANH LÝ SƠN
Địa Chỉ: Thôn Tây, Xã An Vĩnh, Huyện Lý Sơn
MST: 4300805612
Hotline: 0903.611.247 – 0989.364.519
Email/Facebook: lysongreentravel@gmail.com
Skype: dinhvu.logistics